Apollo 1

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Apollo 1
Grissom, White, và Chaffee đứng trước bệ phóng chứa phương tiện vũ trụ AS-204
Gus Grissom, Ed White, và Roger B. Chaffee
đứng trước bệ phóng
chứa phương tiện vũ trụ AS-204
TênAS-204, Apollo 1
Dạng nhiệm vụChuyến bay thử nghiệm tàu vũ trụ có người lái
Nhà đầu tưNASA
Thời gian nhiệm vụLên đến 14 ngày (dự kiến)
Các thuộc tính thiết bị vũ trụ
Thiết bị vũ trụCSM-012
Dạng thiết bị vũ trụMô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo, Block I
Nhà sản xuấtNorth American Aviation
Khối lượng phóng20.000 kilôgam (45.000 lb)
Phi hành đoàn
Số lượng phi hành đoàn3
Thành viên
Bắt đầu nhiệm vụ
Ngày phóng21 tháng 2 năm 1967 (dự kiến)
Tên lửaSaturn IB AS-204
Địa điểm phóngMũi Kennedy, LC-34
Kết thúc nhiệm vụ
Phá hủy
Các tham số quỹ đạo
Hệ quy chiếuĐịa tâm
Chế độQuỹ đạo Trái Đất tầm thấp
Cận điểm220 kilômét (120 nmi) (dự kiến)
Viễn điểm300 kilômét (160 nmi) (dự kiến)
Độ nghiêng31 độ (dự kiến)
Chu kỳ89,7 phút (dự kiến)
Miếng vá của Apollo 1 Phi hành đoàn chính của Apollo 1
Từ trái sang phải: White, Grissom, Chaffee
← AS-202
 

Apollo 1, ban đầu được chỉ định là AS-204, theo kế hoạch là sứ mệnh có người lái đầu tiên của chương trình Apollo,[1] một nỗ lực nhằm trở thành quốc gia đầu tiên đưa người đổ bộ lên Mặt Trăng của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ được lên kế hoạch phóng vào ngày 21 tháng 2 năm 1967 như cuộc thử nghiệm đầu tiên ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp của mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo. Tuy nhiên, sứ mệnh này chưa bao giờ được bay; một vụ cháy cabin trong quá trình kiểm tra diễn tập cho phi vụ phóng tại Tổ hợp Phóng 34 của Trạm Không quân Mũi Kennedy vào ngày 27 tháng 1 đã giết chết toàn bộ ba thành viên phi hành đoàn, bao gồm phi công chỉ huy Gus Grissom, phi công cao cấp Ed White, và phi công Roger B. Chaffee. Ngoài ra, vụ hỏa hoạn còn phá hủy mô-đun chỉ huy (CM). Tên gọi Apollo 1, vốn do đội bay chọn, đã được NASA chính thức hóa sau vụ hỏa hoạn để vinh danh các phi hành gia thiệt mạng.

Ngay sau trận hỏa hoạn, NASA liền cho thành lập Accident Review Board (tạm dịch là "Ban Điều tra Tai nạn") nhằm xác định nguyên nhân gây cháy, và cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ cũng chỉ đạo các ủy ban thẩm tra của riêng họ để giám sát cuộc điều tra của NASA. Nguồn cháy được xác định là do chập điện, và ngọn lửa đã lan ra nhanh chóng do vật liệu nylon dễ cháy cũng như môi trường oxy tinh khiết áp suất cao trong cabin. Nỗ lực giải cứu đã bị ngăn chặn do cửa sập của plug door không thể mở được trước áp suất bên trong của cabin. Vì tên lửa không có nhiên liệu nên cuộc thử nghiệm không được coi là nguy hiểm, do đó công tác chuẩn bị tình huống khẩn cấp cho nó là rất kém.

Trong quá trình điều tra của Quốc hội, Thượng nghị sĩ Walter Mondale đã công khai tiết lộ một tài liệu nội bộ của NASA trích dẫn các vấn đề với nhà thầu chính của Apollo là North American Aviation, về sau được biết đến với tên gọi Phillips Report. Việc tiết lộ này khiến Trưởng quản lý NASA James E. Webb xấu hổ, ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của tài liệu, và đã gây ra nhiều tranh cãi đối với chương trình Apollo. Bất chấp sự không hài lòng của Quốc hội trước thái độ thiếu cởi mở của NASA, cả hai ủy ban quốc hội đều phán quyết rằng các vấn đề được nêu trong báo cáo không liên quan đến vụ tai nạn.

Nhũng chuyến bay Apollo có người lái đã bị đình chỉ hai mươi tháng trong khi các phần cứng của mô-đun chỉ huy được xử lý. Tuy nhiên, công tác phát triển cũng như các chuyến bay thử không người lái của mô-đun Mặt Trăng (LM) và tên lửa Saturn V vẫn được tiếp tục. Phương tiện phóng Saturn IB của Apollo 1, AS-204, đã được sử dụng trong chuyến bay thử đầu tiên của LM là Apollo 5. Về sau, sứ mệnh Apollo có người lái đầu tiên cũng được thực hiện thành công với phi hành đoàn dự phòng của Apollo 1 trong nhiệm vụ Apollo 7 vào tháng 10 năm 1968.

Phi hành đoàn[sửa | sửa mã nguồn]

Vai trò Phi hành gia
Phi công chỉ huy Gus Grissom
Chuyến bay thứ ba (lẽ ra)
Phi công cao cấp Edward H. White II
Chuyến bay thứ hai (lẽ ra)
Phi công Roger B. Chaffee
Chuyến bay thứ nhất (lẽ ra)
[2]

Phi hành đoàn dự phòng thứ nhất (tháng 4 – tháng 12 năm 1966)[sửa | sửa mã nguồn]

Vai trò Phi hành gia
Phi công chỉ huy James A. McDivitt
Phi công cao cấp David R. Scott
Phi công Russell L. "Rusty" Schweickart
Phi hành đoàn này đã bay trên Apollo 9.[2]

Phi hành đoàn dự phòng thứ hai (tháng 12 năm 1966 – tháng 1 năm 1967)[sửa | sửa mã nguồn]

Vai trò Phi hành gia
Phi công chỉ huy Walter M. "Wally" Schirra Jr.
Phi công cao cấp Donn F. Eisele
Phi công R. Walter Cunningham
Phi hành đoàn này đã bay trên Apollo 7.

Các kế hoạch chuyến bay thử nghiệm Apollo có phi hành đoàn[sửa | sửa mã nguồn]

Chân dung chính thức của các phi hành đoàn chính và dự phòng của AS-204 cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1966. Phi hành đoàn dự phòng (đang đứng) gồm McDivitt (giữa), Scott (trái) và Schweickart được thay thế bởi Schirra, Eisele và Cunningham vào tháng 12 năm 1966.

AS-204 là chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên của mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo (CSM) lên quỹ đạo Trái Đất, với phương tiện phóng là một tên lửa đẩy Saturn IB. Mục tiêu của phi vụ là nhằm thử nghiệm các hoạt động phóng, các cơ sở theo dõi và điều khiển trên mặt đất cũng như hiệu suất của tổ hợp phóng Apollo-Saturn. Công việc này có thể kéo dài tới hai tuần tùy thuộc vào hoạt động của tàu vũ trụ.[3]

CSM cho chuyến bay này mang số hiệu 012, do North American Aviation (NAA) chế tạo, là một phiên bản Block I được thiết kế trước khi chiến lược điểm hẹn quỹ đạo Mặt Trăng được lựa chọn; do đó nó thiếu đi khả năng ghép nối với mô-đun Mặt Trăng. Điều này đã được đưa vào trong thiết kế của CSM Block II, cùng với các bài học rút ra từ Block I. Block II sẽ được bay thử nghiệm với LM một khi LM sẵn sàng.[4]

Giám đốc Điều hành Phi hành đoàn Deke Slayton đã chọn ra phi đội Apollo đầu tiên vào tháng 1 năm 1966, với Grissom làm phi công chỉ huy, White là phi công cao cấp, và tân binh Donn F. Eisele đảm nhiệm vị trí phi công, nhưng Eisele đã bị trật khớp vai hai lần trên máy bay huấn luyện không trọng lượng KC-135 và phải phẫu thuật vào ngày 27 tháng 1. Slayton thay thế ông bằng Chaffee,[5] và NASA đã thông báo kết quả lựa chọn phi đội vào ngày 21 tháng 3 năm 1966. James McDivitt, David ScottRussell Schweickart là những cái tên được chọn vào phi hành đoàn dự phòng.[6]

Ngày 29 tháng 9, Walter Schirra, Eisele, và Walter Cunningham được chọn vào phi hành đoàn chính cho chuyến bay thử nghiệm thứ hai của CSM Block I, AS-205.[7] NASA dự định tiếp nối phi vụ này với một chuyến bay thử không người lái của LM (AS-206), sau đó sứ mệnh có người lái thứ ba sẽ là chuyến bay kép được định danh AS-278 (hoặc AS-207/208), trong đó AS-207 sẽ phóng lên CSM Block II đầu tiên có phi hành đoàn, rồi thực hiện một cuộc gặp gỡ và cập bến với chiếc LM không có người lái được phóng trên AS-208.[8]

Tháng 3 năm 1966, NASA nghiên cứu về khả năng thực hiện sứ mệnh Apollo đầu tiên như một cuộc hẹn chung trong không gian với sứ mệnh cuối cùng thuộc Dự án GeminiGemini 12 vào tháng 11 cùng năm.[9] Tuy nhiên, vào tháng 5, sự chậm trễ trong việc giúp Apollo sẵn sàng bay và thời gian cần thêm để kết hợp khả năng tương thích với Gemini đã khiến ý tưởng ấy trở nên không thực tế.[10] Vấn đề này được đem ra bàn luận khi việc không chuẩn bị kịp thời cho trạng thái sẵn sàng của tàu vũ trụ AS-204 đã khiến thời hạn mục tiêu vào quý 4 năm 1966 bị bỏ lỡ, và sứ mệnh phải dời lại sang ngày 21 tháng 2 năm 1967.[11]

Bối cảnh sứ mệnh[sửa | sửa mã nguồn]

Mô-đun chỉ huy 012, được gắn nhãn Apollo One, có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 26 tháng 8 năm 1966.

Tháng 10 năm 1966, NASA thông báo chuyến bay này sẽ mang theo một máy quay truyền hình nhỏ để phát sóng trực tiếp từ mô-đun chỉ huy. Chiếc máy quay cũng sẽ được sử dụng để cho phép các nhân viên kiểm soát chuyến bay giám sát bảng điều khiển của tàu vũ trụ.[12] Thiết bị này được mang theo trong tất cả các sứ mệnh Apollo có phi hành đoàn.[13]

Phù hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 6 năm 1966, phi hành đoàn của Grissom được cấp phép thiết kế một patch (miếng vá) sứ mệnh với tên gọi Apollo 1 (mặc dù quyết định này sau đó đã bị rút lại trong khi chờ phán quyết cuối cùng về việc định danh nhiệm vụ, điều mà chỉ được giải quyết sau vụ cháy). Vùng trung tâm của thiết kế mô tả một mô-đun chỉ huy và dịch vụ đang bay qua miền đông nam Hoa Kỳ với Florida (địa điểm phóng) được làm nổi bật. Mặt Trăng được nhìn thấy từ xa, tượng trưng cho mục tiêu cuối cùng của chương trình. Đường viền màu vàng mang tên của sứ mệnh và phi hành gia cùng với một đường viền khác có các ngôi sao và sọc đỏ. Phù hiệu được thiết kế bởi phi hành đoàn, với ảnh minh họa do nhân viên Allen Stevens của North American Aviation thực hiện.[14][15]

Chuẩn bị tàu vũ trụ và phi hành đoàn[sửa | sửa mã nguồn]

Phi hành đoàn Apollo 1 bày tỏ mối lo ngại về các vấn đề của phi thuyền bằng cách trình bày bản nhại lại bức chân dung phi hành đoàn của họ cho người quản lý của ASPO là Joseph Shea vào ngày 19 tháng 8 năm 1966.

Mô-đun chỉ huy và dịch vụ Apollo lớn và phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ tàu vũ trụ có người lái nào trước đó. Tháng 10 năm 1063, Joseph F. Shea được chọn làm người quản lý cho Văn phòng Chương trình Tàu vũ trụ Apollo (Apollo Spacecraft Program Office, viết tắt là ASPO), chịu trách nhiệm quản lý việc thiết kế và xây dựng cả CSM và LM. Trong cuộc họp đánh giá tàu vũ trụ được tổ chức với sự có mặt của Shea vào ngày 19 tháng 8 năm 1966 (một tuần trước khi giao hàng), phi hành đoàn đã bày tỏ mối lo ngại về lượng vật liệu dễ cháy (chủ yếu là lưới nylon và Velcro) trong cabin, thứ mà cả phi hành gia và kỹ thuật viên đều cảm thấy thuận tiện trong việc giữ cố định các công cụ và thiết bị. Mặc dù Shea đã cho phi thuyền đạt điểm đậu, nhưng sau cuộc họp, họ lại đưa cho ông một bức chân dung phi hành đoàn mà họ đã chụp với tư thế cúi đầu và chắp tay cầu nguyện, với dòng chữ:

Không phải chúng tôi không tin anh đâu Joe, nhưng lần này chúng tôi đã quyết định phải qua mặt anh thôi.[a][16]:184

Shea ra lệnh cho nhân viên của mình yêu cầu North American loại bỏ các chất dễ cháy ra khỏi cabin, nhưng lại không đích thân giám sát vấn đề.[16]:185

North American đã vận chuyển phi thuyền CM-012 đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 26 tháng 8 năm 1966, theo giấy chứng nhận đủ điều kiện bay (Certificate of Flight Worthiness) có điều kiện: 113 thay đổi kỹ thuật đáng kể chưa hoàn thành theo kế hoạch phải được làm xong tại KSC. Chưa hết, đã có thêm 623 yêu cầu thay đổi kỹ thuật được thực hiện và hoàn thành sau khi giao hàng.[17]:6-3 Grissom trở nên thất vọng với việc các kỹ sư mô phỏng đào tạo không thể theo kịp những thay đổi của tàu vũ trụ, đến nỗi ông đã lấy một quả chanh từ cái cây gần nhà mình[18] và treo nó lên thiết bị mô phỏng.[7]

Các mô-đun chỉ huy và dịch vụ được liên kết lại trong buồng độ cao (altitude chamber) KSC vào tháng 9, và quá trình thử nghiệm hệ thống kết hợp đã được thực hiện. Đầu tiên, việc kiểm tra độ cao được thực hiện khi không có người điều khiển, sau đó là với cả phi đội chính và phi đội dự phòng, từ ngày 10 tháng 10 đến ngày 30 tháng 12. Trong quá trình thử nghiệm này, bộ phận kiểm soát môi trường (ECU) trong mô-đun chỉ huy bị phát hiện có lỗi thiết kế và phải gửi về cho nhà sản xuất để thay đổi cũng như gia công lại. ECU được trả lại sau đó bị rò rỉ nước/chất làm mát glycol và phải gửi về lần thứ hai. Cũng trong thời gian này, bể chứa thuốc phóng trong một mô-đun dịch vụ khác đã bị vỡ trong quá trình thử nghiệm tại NAA, khiến mô-đun dịch vụ phải bị đưa ra khỏi buồng thử nghiệm KSC để có thể kiểm tra các dấu hiệu của sự cố bể chứa. Những xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính.

Phi hành đoàn Apollo 1 bước vào tàu vũ trụ trong buồng độ cao tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, ngày 18 tháng 10 năm 1966.

Tháng 12 năm 1966, chuyến bay thứ hai của Block I là AS-205 bị hủy bỏ với lý do là không cần thiết; Schirra, Eisele và Cunningham được chỉ định lại làm phi hành đoàn dự phòng của Apollo 1. Phi đội của McDivitt được thăng lên làm phi hành đoàn chính thức của sứ mệnh Block II/LM, và được tái định danh là AS-258 do phương tiện phóng AS-205 sẽ được sử dụng để thay thế AS-207. Nhiệm vụ thứ ba của phi hành đoàn đã được lên kế hoạch để phóng CSM và LM cùng nhau trên Saturn V (AS-503) tới quỹ đạo Trái Đất tầm trung (MEO), với phi hành đoàn gồm Frank Borman, Michael CollinsWilliam Anders. McDivitt, Scott và Schweickart đã bắt đầu khóa đào tạo cho AS-258 trong CM-101 tại nhà máy của NAA ở Downey, California khi vụ tai nạn Apollo 1 xảy ra.[19]

Sau khi tất cả các sự cố phần cứng còn tồn tại trên CSM-012 được khắc phục, tàu vũ trụ được lắp ráp lại đã hoàn thành cuộc thử nghiệm buồng độ cao thành công với phi hành đoàn dự phòng của Schirra vào ngày 30 tháng 12.[17]:4-2 Theo báo cáo cuối cùng của ban điều tra tai nạn, "Tại cuộc phỏng vấn sau buổi thử nghiệm, phi hành đoàn dự phòng bày tỏ sự hài lòng với tình trạng và hiệu suất của tàu vũ trụ."[17]:4-2 Điều này dường như mâu thuẫn với lời tường thuật được đưa ra trong cuốn sách năm 1994 Lost Moon: The Perilous Voyage of Apollo 13 của Jeffrey Kluger và phi hành gia James Lovell, rằng "Khi bộ ba trèo ra khỏi tàu, ... Schirra nói rõ rằng anh ấy không hài lòng với những gì mình đã thấy", và sau đó Schirra đã cảnh báo Grissom và Shea rằng "tôi không thể chỉ ra vấn đề ở con tàu này, nhưng chỉ là nó khiến tôi không thoải mái. Có điều gì đó ở nó không ổn," và rằng Grissom nên thoát ra ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên.[20]

McDivitt, Scott và Schweickart luyện tập cho sứ mệnh Apollo thứ hai vào ngày 26 tháng 1 năm 1967. Họ đang ở bên trong mô-đun chỉ huy Block II thứ nhất và mặc những phiên bản màu xanh dương ban đầu của bộ đồ áp suất Block II.

Sau khi thử nghiệm độ cao thành công, tàu vũ trụ được đưa ra khỏi buồng độ cao vào ngày 3 tháng 1 năm 1967 và kết nối với phương tiện phóng Saturn IB của nó trên bệ phóng 34 vào ngày 6 tháng 1.

Grissom cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 năm 1963 rằng NASA không thể loại bỏ rủi ro bất chấp các biện pháp phòng ngừa:[21]

Rất nhiều người đã cống hiến nhiều nỗ lực hơn tôi có thể mô tả để [làm cho] Dự án Mercury và các dự án kế nhiệm của nó trở nên an toàn nhất có thể đối với con người ... Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng vẫn còn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong các hoạt động ban đầu, bất kể việc lập kế hoạch. Bạn không thể dự đoán được tất cả những điều có thể xảy ra, hoặc khi nào chúng có thể xảy ra.[b]

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp thất bại. Mọi công việc khác đều có thất bại, và chúng chắc chắn sẽ xảy ra dù sớm hay muộn”.[21] Grissom đã được hỏi về nỗi sợ hãi đối với thảm họa tiềm tàng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 1966:[22]

Bạn phải loại bỏ điều đó ra khỏi tâm trí mình. Tất nhiên, luôn có khả năng bạn gặp phải một thất bại thảm hại; điều này có thể xảy ra trên bất kỳ chuyến bay nào; nó có thể xảy ra ở lần cuối cùng cũng như lần đầu tiên. Vì vậy, bạn chỉ cần lập kế hoạch tốt nhất có thể để giải quyết tất cả những tình huống có thể xảy ra này, sau đó, bạn tìm kiếm một phi hành đoàn được đào tạo bài bản và bạn sẽ bay lên.[c]

Tai nạn[sửa | sửa mã nguồn]

Thử nghiệm plugs-out[sửa | sửa mã nguồn]

Chaffee, White và Grissom đang luyện tập trong cabin của một mô-đun chỉ huy mô phỏng, ngày 19 tháng 1 năm 1967

Buổi mô phỏng phóng trên bệ phóng 34 vào ngày 27 tháng 1 năm 1967 là một cuộc thử nghiệm "plugs-out" (tạm dịch là rút phích cắm), nhằm mục đích xác định xem liệu tàu vũ trụ có hoạt động bình thường bằng nguồn điện bên trong (mô phỏng) khi bị tách ra khỏi tất cả các dây cáp và dây rốn hay không. Việc vượt qua bài kiểm tra này là điều cần thiết để sứ mệnh có thể phóng vào ngày 21 tháng 2. Cuộc thử nghiệm được coi là không nguy hiểm vì cả phương tiện phóng và tàu vũ trụ đều không được nạp nhiên liệu hoặc chất đông lạnh và tất cả hệ thống nổ (pyrotechnic system) (hay bu lông nổ (explosive bolts)) đều đã bị vô hiệu hóa.[11]

1 giờ chiều EST (18:00 GMT) ngày 27 tháng 1, Grissom, Chaffee và White lần lượt bước vào mô-đun chỉ huy trong những bộ đồ áp suất. Sau đó, họ được buộc vào ghế rồi nối với hệ thống oxy và liên lạc của tàu vũ trụ. Grissom ngay lập tức nhận thấy một mùi lạ trong không khí đang lan tỏa khắp bộ đồ của mình, mùi mà được anh so sánh với "sữa bơ chua", và quá trình đếm ngược mô phỏng bị tạm dừng lúc 1:20 chiều trong khi các mẫu không khí được thu thập. Họ đã không tìm thấy nguyên nhân gây ra mùi hôi và quá trình đếm ngược được tiếp tục vào lúc 2:42 chiều. Điều tra tai nạn cho thấy mùi này không liên quan đến vụ cháy.[11]

Ba phút sau khi tiếp tục đếm, quá trình lắp đặt cửa sập bắt đầu. Cửa sập bao gồm ba phần: cửa sập bên trong có thể tháo rời nằm bên trong cabin; một cửa sập bên ngoài có bản lề là một phần của tấm chắn nhiệt tàu vũ trụ; và một nắp cửa sập bên ngoài là một phần của nắp bảo vệ tăng cường bao bọc toàn bộ mô-đun chỉ huy để bảo vệ nó khỏi sức nóng khí động học trong quá trình phóng, và khỏi khí thải tên lửa thoát ra trong trường hợp phi vụ phóng bị hủy bỏ. Nắp cửa tăng áp được chốt một phần, nhưng không hoàn toàn, vì nắp bảo vệ tăng cường linh hoạt bị biến dạng đôi chút do một số dây cáp chạy bên dưới nó để cung cấp nguồn điện mô phỏng bên trong (chất phản ứng pin nhiên liệu của tàu vũ trụ không được nạp cho thử nghiệm này). Sau khi bịt kín các cửa sập, không khí trong cabin được thay thế bằng oxy nguyên chất ở mức 16,7 psi (115 kPa), cao hơn 2 psi (14 kPa) so với áp suất khí quyển.[11][17]:Enclosure V-21

Chuyển động của các nhà du hành vũ trụ đã được phát hiện bởi đơn vị đo quán tính của tàu không gian và cảm biến y sinh của phi hành gia, đồng thời cũng được biểu thị bằng sự gia tăng lưu lượng khí oxy trong bộ đồ vũ trụ và âm thanh từ micrô bị kẹt mở của Grissom. Micrô bị kẹt là một phần của vấn đề với vòng liên lạc kết nối phi hành đoàn, Operations and Checkout Building (Tòa nhà Điều hành và Phát hiện lỗi), và phòng điều khiển bệ phóng Tổ hợp 34. Khả năng liên lạc kém khiến Grissom phải nhận xét: "Làm sao lên được Mặt Trăng nếu chúng ta không thể nói chuyện giữa hai hoặc ba tòa nhà?"

Đồng hồ đếm ngược mô phỏng lại bị tạm dừng lúc 5:40 chiều trong khi các kỹ thuật viên cố gắng khắc phục sự cố liên lạc. Tất cả chức năng đếm ngược cho đến quá trình truyền điện nội bộ mô phỏng đã được xử lý thành công trước 6:20 chiều, và lúc 6:30 số đếm vẫn được giữ ở mức T trừ 10 phút.[11]

Hỏa hoạn[sửa | sửa mã nguồn]

Phần bên ngoài của mô-đun chỉ huy bị cháy đen sau vụ hỏa hoạn
Bản ghi âm từ ground loop, bắt đầu từ lời nhận xét "nói chuyện giữa các tòa nhà" của Grissom. Vụ cháy lần đầu được đề cập ở phút 1:05.

Các thành viên phi đội đang tranh thủ thời gian để xem lại danh sách kiểm tra thì điện áp AC Bus 2 tăng lên tức thời. Chín giây sau (lúc 6:31:04.7), một trong những phi hành gia (một số người nghe thấy và phân tích trong phòng thí nghiệm cho biết đó là Grissom) đã thốt lên "Này!", "Có lửa!";[23][17]:5–8 theo sau là hai giây âm thanh xô xát qua micrô đang mở của Grissom. Ngay sau đó là một người (đa phần người nghe và kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm chỉ ra đó là Chaffee) nói rằng "[Tôi, hay Chúng tôi] đang gặp hỏa hoạn trong buồng lái". Sau 6,8 giây im lặng, nhiều người khác nhau đã nghe thấy một đường truyền thứ hai bị cắt xén nghiêm trọng (họ tin rằng việc truyền tải này được thực hiện bởi Chaffee[17]:5–9) như sau:

  • "Họ đang phải chống lại một đám cháy nghiêm trọng—Hãy ra ngoài ... Mở cửa ra",[d]
  • "Chúng tôi gặp phải một vụ cháy lớn—Hãy ra ngoài ... Chúng tôi đang bị thiêu đốt",[e] hay
  • "Tôi đang báo cáo một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ... Tôi đang thoát ra ngoài ..."[f]

Đường truyền kéo dài 5,0 giây và kết thúc bằng một tiếng kêu đau đớn.[17]:5-8, 5-9

Một số nhân chứng ở bệ phóng nói rằng họ đã nhìn thấy White trên màn hình tivi đang với lấy tay nắm của cửa sập bên trong[11] khi ngọn lửa trong cabin lan từ trái sang phải.[17]:5-3

Sức nóng của ngọn lửa được cung cấp bởi oxy nguyên chất đã khiến áp suất tăng lên 29 psi (200 kPa), làm vỡ thành bên trong của mô-đun chỉ huy lúc 6:31:19 (23:31:19 GMT, giai đoạn đầu của đám cháy). Ngọn lửa và khí sau đó tràn ra ngoài mô-đun chỉ huy thông qua các bảng truy cập mở tới hai tầng của cấu trúc dịch vụ (service structure) bệ phóng. Hơi nóng gay gắt, khói dày đặc và mặt nạ phòng độc không hiệu quả (do được thiết kế dành cho khí độc hơn là khói) đã cản trở nỗ lực giải cứu người của đội mặt đất. Người ta lo ngại mô-đun chỉ huy đã phát nổ, hoặc sẽ sớm nổ, và ngọn lửa có thể đốt cháy tên lửa nhiên liệu rắn trong tháp thoát hiểm phía trên mô-đun chỉ huy, điều này có thể giết chết nhân viên mặt đất gần đó và phá hủy bệ phóng.[11]

Khi áp suất được giải phóng do cabin bị vỡ, luồng khí tràn vào mô-đun khiến ngọn lửa lan khắp cabin, bắt đầu giai đoạn thứ hai của vụ cháy. Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi hầu hết oxy bị tiêu thụ và được thay thế bằng không khí trong khí quyển, về cơ bản là nó dập tắt ngọn lửa, nhưng lại gây ra nồng độ carbon monoxide cao và khói dày đặc tràn vào cabin, đồng thời tạo ra một lượng lớn bồ hóng đọng lại trên các bề mặt khi chúng nguội đi.[11][17]:5-3, 5-4

Phải mất năm phút, các công nhân bệ phóng mới mở được cả ba lớp cửa sập, và họ không thể thả cửa sập bên trong xuống sàn cabin như dự định nên đã đẩy nó sang một bên. Mặc dù đèn trong cabin vẫn sáng nhưng họ không thể nhìn thấy các phi hành gia qua làn khói dày đặc. Khi khói tan, họ tìm thấy các thi thể nhưng không thể di chuyển chúng. Ngọn lửa đã làm tan chảy một phần bộ quần áo phi hành gia bằng nylon của Grissom và White cũng như các ống nối chúng với hệ thống hỗ trợ sự sống. Grissom đã cởi dây buộc và nằm trên sàn tàu vũ trụ. Dây buộc của White bị đốt cháy và người ta tìm thấy anh nằm nghiêng ngay dưới cửa sập. Người ta xác định rằng White đã cố gắng mở cửa sập theo quy trình khẩn cấp nhưng không thể làm được do áp suất bên trong. Chaffee được tìm thấy bị buộc vào ghế bên phải, do quy trình yêu cầu anh ta duy trì liên lạc cho đến khi White mở cửa sập. Vì những sợi nylon nóng chảy lớn dính chặt các phi hành gia vào bên trong cabin nên việc di dời các thi thể phải mất gần 90 phút. Các thi thể chỉ có thể được đưa ra sau 7,5 giờ kể từ khi vụ việc xảy ra do khí và chất độc hiện diện khiến nhân viên y tế lúc đầu không thể tiến vào.[11]

Deke Slayton có thể là quan chức NASA đầu tiên kiểm tra bên trong tàu vũ trụ.[24] Lời khai của ông mâu thuẫn với báo cáo chính thức liên quan đến vị trí thi thể của Grissom. Slayton nói về thi thể của Grissom và White như sau: "Tôi rất khó xác định được chính xác mối quan hệ của hai thi thể này. Chúng gần như lẫn lộn với nhau và tôi thực sự không thể biết được cái đầu nào thuộc về cơ thể nào vào thời điểm đó. Tôi đoán điều duy nhất thực sự rõ ràng là cả hai thi thể đều ở mép dưới của cửa sập. Họ không ngồi ở trên ghế. Gần như họ hoàn toàn không ở gần khu vực chỗ ngồi".[24][25]

Trong văn hóa đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vụ tai nạn và hậu quả của nó là chủ đề cho tập 2, "Apollo One", thuộc loạt miniseries năm 1998 của HBO From the Earth to the Moon.[26]
  • Sứ mệnh và vụ tai nạn đã được đề cập trong loạt phim truyền hình năm 2015 The Astronaut Wives Club của ABC ở các tập 8 ("Rendezvous")[27] và 9 ("Abort").[28]
  • Sự cố là chủ đề cho track "Fire in the Cockpit" từ album năm 2015 The Race for Space của ban nhạc Public Service Broadcasting.[29]
  • Sự cố được xuất hiện trong bộ phim năm 2018 Bước chân đầu tiên.[30][31]
  • Một đoạn kịch ngắn về vụ tai nạn được chiếu ở đầu bộ phim năm 1995 Apollo 13.
  • Vụ tai nạn và sự nhấn mạnh sau đó về tính an toàn trong NASA là chủ đề điều tra ở hai tập đầu loạt phim Cuộc chiến không gian của Apple TV+.

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyên văn: It isn't that we don't trust you, Joe, but this time we've decided to go over your head.
  2. ^ Nguyên văn: An awful lot of people have devoted more effort than I can describe to [make] Project Mercury and its successors, as safe as humanly possible ... But we also recognize that there remains a great deal of risk, especially in initial operations, regardless of planning. You just can't forecast all the things that could happen, or when they could happen.
  3. ^ Nguyên văn: You sort of have to put that out of your mind. There's always a possibility that you can have a catastrophic failure, of course; this can happen on any flight; it can happen on the last one as well as the first one. So, you just plan as best you can to take care of all these eventualities, and you get a well-trained crew and you go fly.
  4. ^ Nguyên văn: They're fighting a bad fire—Let's get out ... Open 'er up
  5. ^ Nguyên văn: We've got a bad fire—Let's get out ... We're burning up
  6. ^ Nguyên văn: I'm reporting a bad fire ... I'm getting out ...

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Ertel, Ivan D.; Newkirk, Roland W.; và đồng nghiệp (1969–1978). “Part 1 (H): Preparation for Flight, the Accident, and Investigation: March 25 – April 24, 1967”. The Apollo Spacecraft: A Chronology. IV. Washington, D.C.: NASA. LCCN 69060008. OCLC 23818. NASA SP-4009. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2011.
  2. ^ a b “Apollo 1 Prime and Backup Crews”. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  3. ^ Benson, Charles D.; Faherty, William Barnaby (1978). Moonport: A History of Apollo Launch Facilities and Operations. NASA History Series. NASA. LCCN 77029118. NASA SP-4204. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  4. ^ Courtney G. Brooks; James M. Grimwood; Loyd S. Swenson (1979). “Command Modules and Program Changes”. Chariots for Apollo: A History of Manned Lunar Spacecraft. NASA. ISBN 0-486-46756-2. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
  5. ^ Teitel, Amy Shira (4 tháng 12 năm 2013) [2013], “How Donn Eisele Became "Whatshisname," the Command Module Pilot of Apollo 7”, Popular Science
  6. ^ 'Open End' Orbit Planned for Apollo”. The Pittsburgh Press. Pittsburgh, PA. United Press International. 4 tháng 8 năm 1966. tr. 20. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2010.
  7. ^ a b Brooks, Courtney G.; Grimwood, James M.; Swenson, Loyd S. (1979). “Preparations for the First Manned Apollo Mission”. Chariots for Apollo: A History of Manned Lunar Spacecraft. Courier Corporation. ISBN 978-0-486-46756-6. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
  8. ^ Courtney G Brooks; James M. Grimwood; Loyd S. Swenson (1979). “Plans and Progress in Space Flight”. Chariots for Apollo: A History of Manned Lunar Spacecraft. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
  9. ^ “3 Crewmen Picked For 1st Apollo Flight”. The Palm Beach Post. 58 (32). West Palm Beach, FL. Associated Press. 22 tháng 3 năm 1966. tr. 1. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013 – qua Newspapers.com.
  10. ^ “Apollo Shot May Come This Year”. The Bonham Daily Favorite. Bonham, TX. United Press International. 5 tháng 5 năm 1966. tr. 1. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  11. ^ a b c d e f g h i Orloff, Richard W. (tháng 9 năm 2004) [2000]. “Apollo 1 – The Fire: January 27, 1967”. Apollo by the Numbers: A Statistical Reference. NASA History Series. Washington, DC: NASA. ISBN 0-16-050631-X. LCCN 00061677. NASA SP-2000-4029. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  12. ^ “Apollo To Provide Live Space Shots”. Sarasota Herald-Tribune. Sarasota, FL. United Press International. 13 tháng 10 năm 1966. tr. 1. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  13. ^ Wood, Bill (2005), “Apollo Television” (PDF), trong Jones, Eric M.; Glover, Ken (biên tập), Apollo Lunar Surface Journal, Washington, DC: NASA (xuất bản 1996–2013), lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2022
  14. ^ Dorr, Eugene. “Space Mission Patches – Apollo 1 Patch”. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2009.
  15. ^ Hengeveld, Ed (20 tháng 5 năm 2008). “The man behind the Moon mission patches”. collectSPACE. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2013. "A version of this article was published concurrently in the British Interplanetary Society's Spaceflight magazine." (June 2008; pp. 220–225).
  16. ^ a b Murray, Charles; Cox, Catherine Bly (1990). Apollo: The Race to the Moon. New York: Simon & Schuster. ISBN 978-0-671-70625-8.
  17. ^ a b c d e f g h i Thompson, Floyd; Borman, Dolah; Faget, Maxime; White, George; Geer, Barton (5 tháng 4 năm 1967). Report of Apollo 204 Review Board (PDF). NASA. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2016.
  18. ^ White, Mary C. “Detailed Biographies of Apollo I Crew – Gus Grissom”. NASA History Program Office. NASA. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008.
  19. ^ Teague, Kipp (26 tháng 1 năm 1967). “The Project Apollo Image Gallery, Early Apollo, AS-205/208 – would have involved dual Saturn IB launches; cancelled following Apollo 204 fire”.
  20. ^ Lovell, Jim; Kluger, Jeffrey (2000) [Previously published 1994 as Lost Moon]. Apollo 13. Boston: Houghton Mifflin Company. tr. 14. ISBN 0-618-05665-3. LCCN 99089647.
  21. ^ a b Grissom, Gus (tháng 2 năm 1963). “The MATS Flyer Interviews Major Gus Grissom”. The MATS Flyer (Phỏng vấn). Phóng viên John P. Richmond Jr. Military Air Transport Service, United States Air Force. tr. 4–7. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2020.
  22. ^ Wilford, John (1969). We Reach the Moon: The New York Times Story of Man's Greatest Adventure. New York: Bantam Books. tr. 95. ISBN 978-0-448-26152-2. OCLC 47325.
  23. ^ Slade, Suzanne (2018). Countdown: 2979 Days to the Moon. Illustrated by Thomas Gonzalez. Atlanta: Peachtree. tr. 18. ISBN 978-1-68263-013-6.
  24. ^ a b Leopold, George (2016). Calculated Risk: The Supersonic Life and Times of Gus Grissom. West Lafayette, Indiana: Purdue University Press. tr. 259–260. ISBN 978-1-55753-745-4.
  25. ^ “#72 D. K. Slayton February 8, 1967” (PDF). Apollo 204 Review Board Final Report. NASA. tr. B-162. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2018.
  26. ^ Malik, Tariq (23 tháng 9 năm 2005). “DVD Review: From the Earth to the Moon”. Space.com. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2018.
  27. ^ Falcone, Dana Rose (31 tháng 7 năm 2015). 'The Astronaut Wives Club' recap: The Space Race takes a solemn turn”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2018.
  28. ^ Falcone, Dana Rose (6 tháng 8 năm 2015). 'The Astronaut Wives Club' recap: Abort”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2018.
  29. ^ Mongredien, Phil (22 tháng 2 năm 2015). “Public Service Broadcasting: The Race for Space review – a smart follow-up”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2018.
  30. ^ Gleiberman, Owen (29 tháng 8 năm 2018). “Film Review: 'First Man'. Variety. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2021.
  31. ^ Howell, Peter (11 tháng 10 năm 2018). “Ryan Gosling's First Man is a space hero with soul”. Toronto Star. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2021.