Cổng thông tin:Chiến tranh Napoléon

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

• • • Chiến tranh Napoleon • • •

Các cuộc chiến tranh của Napoléon, hay thường được gọi tắt là Chiến tranh Napoléon là một loạt các cuộc chiến trong thời hoàng đế Napoléon Bonaparte trị vì nước Pháp, diễn ra giữa các khối liên minh các nước châu Âu chống lại Đế chế thứ nhất. Trên đà các cuộc chinh phục cách mạng từ năm 1789, nước Pháp đã phát triển sức mạnh của mình rất nhanh khi đội quân của Napoléon chinh phục được phần lớn châu Âu. Tuy nhiên, sự thất bại còn nhanh hơn, bắt đầu từ sau thảm họa của cuộc tiến công nước Nga năm 1812 cho đến thất bại quyết định trong trận Waterloo năm 1815, Đế chế của Napoleon cuối cùng đã bị đánh bại hoàn toàn về quân sự và kết quả là sự phục hưng của vương triều Bourbon ở Pháp. Chiến tranh Napoléon đã giúp cách mạng hóa lực lượng quân đội các nước châu Âu, trong đó có việc sử dụng pháo binh cũng như các tổ chức quân sự. Diễn ra với một quy mô chưa từng thấy - chủ yếu là nhờ vào việc áp dụng chế độ cưỡng bách tòng quân số lượng lớn hiện đại - toàn bộ các cuộc xung đột này đã khiến cho tổng cộng khoảng 2,5 triệu người chết, trong đó 1,5 triệu là binh lính và 1 triệu thường dân.

Chiến tranh Napoleón đã dẫn đến sự tan rã của Đế quốc La Mã Thần thánh và gieo mầm cho chủ nghĩa dân tộc hình thành tại ĐứcÝ, mà sau này đã giúp dẫn đến việc thống nhất hai quốc gia này vào giữa thế kỷ 19. Đồng thời, đế quốc khắp hoàn cầu của Tây Ban Nha cũng bắt đầu tan vỡ khi chính quốc Tây Ban Nha bị nước Pháp chiếm đóng, làm suy yếu quyền kiểm soát của nó đối với các thuộc địa, mở màn cho một loạt các cuộc chiến tranh giành độc lập tại những nước châu Mỹ. Và một hệ quả trực tiếp khác của chiến tranh Napoleon là Đế quốc Anh đã trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới trong một thế kỷ tiếp sau đó, giai đoạn được gọi là Nền hòa bình Anh.

Cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí về thời điểm kết thúc của cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp và bắt đầu của Chiến tranh Napoléon. Ban đầu người ta cho rằng thời điểm đó là vào ngày 9 tháng 11 năm 1799, khi tướng Bonaparte lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp sau cuộc đảo chính 18 tháng Sương mù, nhưng đa số đều quan niệm các cuộc chiến của cuộc Cách mạng Pháp kéo dài tới năm 1802 và lời tuyên chiến giữa Pháp và Anh ngày 18 tháng 5 năm 1803 - sau khi một thời gian hòa bình ngắn ngủi tiếp theo Hòa ước Amiens năm 1802 - là điểm xuất phát của các cuộc chiến tranh Napoléon. Các cuộc chiến này chấm dứt sau thất bại cuối cùng của Napoléon tại trận Waterloo ngày 18 tháng 6 năm 1815 và Hòa ước Paris thứ hai ký ngày 20 tháng 11 cùng năm đó. [ Đọc tiếp ]

• • • Các trận chiến • • •

Trận Aspern-Essling (21 - 22 tháng 5 năm 1809) là một trận đánh giữa quân Pháp do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte thống lĩnh và quân Áo do Đại Công tước Karl chỉ huy. Sau khi kinh thành Viên thất thủ, Napoléon Bonaparte quyết tâm đánh một đòn quyết định vào quân chủ lực Áo, buộc Triều đình nhà Habsburg phải thương thuyết. Trên đảo Lobau, ông đã bắc cầu qua sông Donau, và định tung đại quân vào hai ngôi làng Aspern, Essling ven sông, nhưng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân Áo. Trận chiến đã diễn ra ác liệt trong suốt hai ngày, với sức chiến đấu dữ dội của cả hai phía: người Pháp thì nhận ra cuộc vượt sông Donau của mình đã bị đe dọa còn người Áo thì nhận thấy thời cơ để tiêu diệt Napoléon. Song, Karl đã chủ trương không mạo hiểm mà chỉ đánh một trận phòng thủ quyết liệt nhằm tiêu hao binh lực của Pháp. Trái với Karl, Napoléon đã không có kế hoạch tốt cho trận chiến. Lòng dũng cảm của các binh sĩ Áo đã gây bất lợi cho Napoléon, và lực lượng Pháo binh của họ đã gây thiệt hại kinh khủng cho quân Pháp. Cuối cùng, sau hai ngày chiến đấu, Napoléon bại trận và phải rút quân, mặc dù cuộc tấn công cuối cùng của quân Áo bi đánh bật. Tin tức về chiến thắng vang dội của Quân đội Áo đã khiến cho cả châu Âu đều hy vọng Napoléon sẽ bị tận diệt. Do đó, thất bại ở Aspern - Essling cũng có thể được xem là một thất bại chiến lược của Napoléon. [ Đọc tiếp ]


• • • Một vài hình ảnh • • •

Trận Waterloo diễn ra vào ngày chủ nhật 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc Bỉ ngày nay. Đây là một trong những trận đánh nổi tiểng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoléon. Quân đội Đế chế Pháp dưới sự chỉ huy của Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và vương triều một trăm ngày của ông.

• • • Vài mẫu tiểu sử • • •

Napoléon trên ngai vàng, Họa phẩm của Jean Auguste Dominique Ingres.

Napoléon Bonaparte (15 tháng 8 năm 1769 – 5 tháng 5 năm 1821) là một nhà quân sự và chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu. Ông giữ ngôi Hoàng đế Pháp từ năm 1804 đến năm 1815 với đế hiệu là Napoléon I. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime). Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của Napoléon được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới. [ Đọc tiếp ]