Bước tới nội dung

Đốm xanh mờ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đốm xanh mờ
Nhìn từ khoảng cách 6 tỷ kilômét (3,7 tỷ dặm), Trái Đất xuất hiện như một chấm nhỏ giữa không gian sâu thẳm: đốm màu xanh trắng nằm ở gần giữa dải ánh sáng ngoài cùng bên phải.
Tác giảVoyager 1
Thời gian1990
LoạiNhiếp ảnh thiên văn (astrophotography)
Địa điểmKhông gian liên sao
Chủ sở hữuNASA

Đốm xanh mờ (tiếng Anh: Pale Blue Dot) là một bức ảnh về Trái Đất chụp vào năm 1990 bởi Voyager 1 từ xa, cho thấy sự đối lập với không gian sâu thẳm. Theo yêu cầu của Carl Sagan, NASA điểu khiển tàu không gian Voyager 1, vốn đã hoàn tất nhiệm vụ chính của mình và đang ra khỏi Hệ Mặt Trời, quay và chụp một bức ảnh về Trái Đất giữa không gian rộng lớn.

Sau đó, tên bức ảnh đã được sử dụng bởi Sagan trong tên cuốn sách năm 1994 của ông, Đốm xanh mờ: Tầm nhìn về tương lai loài người trong không gian.[1]

Năm 2001, bức ảnh đã được chọn bởi Space.com là một trong 10 tấm ảnh hàng đầu về khoa học.[2]

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm 1977, NASA đã phóng Voyager 1, một tàu vũ trụ robot nặng 722 kilôgam (1.592 lb) trong sứ mệnh nghiên cứu vòng ngoài của Hệ Mặt Trời và sau cùng là không gian giữa các vì sao.[3][4] Sau cuộc gặp gỡ với hệ Sao Mộc vào năm 1979 và hệ Sao Thổ vào năm 1980,[5] phần sứ mệnh chính được tuyên bố hoàn thành. Voyager 1 đã giúp cung cấp hình ảnh chi tiết về hai hành tinh lớn nhất và các mặt trăng chính của chúng.[6]

Tàu vũ trụ vẫn đang di chuyển với tốc độ 64.000 km/h (40.000 mph), và là vật thể nhân tạo ở xa Trái Đất nhất cũng như vật thể nhân tạo đầu tiên rời khỏi Thái Dương Hệ.[7] Nhiệm vụ của nó đã được mở rộng và tiếp tục cho đến ngày nay, với mục đích nghiên cứu ranh giới của Hệ Mặt Trời, bao gồm vành đai Kuiper, nhật quyển và không gian liên sao. Kể từ khi được phóng, phi thuyền vẫn luôn nhận các lệnh theo thường lệ và truyền dữ liệu trở lại Mạng lưới giám sát Không gian Sâu.[3][8][9]

A space probe resting on a stand, with a parabolic antenna pointing upwards and two arms extending from the sides, bearing cameras and other devices, against a black background curtain
Phi thuyền Voyager 1

Voyager 1 dự kiến ​​​​sẽ chỉ hoạt động cho tới sau cuộc gặp gỡ với Sao Thổ. Khi phi thuyền đi ngang qua hành tinh này vào năm 1980, Sagan đã đề xuất ý tưởng cho tàu thăm dò không gian chụp lại bức ảnh cuối cùng về Trái Đất.[10] Ông thừa nhận rằng một bức ảnh như vậy không có nhiều giá trị khoa học vì Trái Đất sẽ trông quá nhỏ để máy ảnh của Voyager có thể ghi lại bất kỳ chi tiết nào, nhưng nó sẽ có ý nghĩa như một góc nhìn về vị trí của loài người trong vũ trụ.[10]

Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ nhiều người trong chương trình Voyager của NASA, vẫn có những lo ngại cho rằng việc chụp ảnh Trái Đất quá gần Mặt Trời có nguy cơ làm hỏng hệ thống hình ảnh của tàu vũ trụ đến mức không thể sửa chữa được. Mãi đến năm 1989, ý tưởng của Sagan mới được thực hiện, nhưng sau đó việc hiệu chuẩn thiết bị đã trì hoãn hoạt động hơn nữa, khiến cho những nhân sự lập kế hoạch và truyền lệnh vô tuyến tới Voyager 1 bị sa thải hoặc chuyển sang các dự án khác. Cuối cùng, Trưởng quản lý NASA Richard Truly phải can thiệp để đảm bảo rằng bức ảnh có thể được chụp.[7][11][12] Một đề xuất khác kêu gọi chụp ảnh Trái Đất khi hành tinh này quay quanh Mặt Trời đã bị từ chối.[13]

Máy ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Imaging Science Subsystem (tạm dịch là Hệ thống con Khoa học Chụp ảnh, viết tắt là ISS) của Voyager 1 bao gồm hai máy ảnh: một máy ảnh góc rộng có tiêu cự 200 mm với độ phân giải thấp, được sử dụng để chụp ảnh mở rộng trong không gian, và một máy ảnh góc hẹp 1500 mm có độ phân giải cao – chiếc đã chụp Đốm xanh mờ – nhằm mục đích chụp ảnh chi tiết các mục tiêu cụ thể. Cả hai máy ảnh đều thuộc loại ống vidicon quét chậm và được trang bị tám bộ lọc màu, gắn trên một bánh xe kính lọc (filter wheel) đặt phía trước ống.[14][15]

Thử thách là, khi nhiệm vụ tiến triển, các vật thể được chụp sẽ ngày càng ở xa và mờ hơn, đòi hỏi thời gian phơi sáng lâu hơn và phải xoay (lia) máy ảnh để đạt chất lượng chấp nhận được. Khả năng viễn thông cũng giảm dần theo khoảng cách, hạn chế số lượng chế độ dữ liệu mà hệ thống chụp ảnh có thể sử dụng.[16]

Sau khi chụp loạt ảnh Chân dung gia đình, trong đó có cả Đốm xanh mờ, các nhà quản lý sứ mệnh của NASA đã ra lệnh cho Voyager 1 tắt nguồn máy ảnh, vì tàu vũ trụ sẽ không bay gần bất kỳ thứ gì quan trọng trong suốt phần còn lại của phi vụ, trong khi các thiết bị khác vẫn đang thu thập dữ liệu cần năng lượng cho hành trình dài đến không gian giữa các vì sao.[17]

Bức ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Diagram of solar system with an area outside the orbit of Pluto highlighted
Vị trí tương đối của Voyager 1 khi chụp bức ảnh này được khoanh tròn

Voyager 1 được phóng lên ngày 5 tháng 9 năm 1977. Sagan đã có ý tưởng dùng Voyager để chụp một bức ảnh của Trái Đất khi nó đến điểm thuận lợi tại rìa của hệ Mặt Trời.[18][19][20][21]

Ngày 14 tháng 2 năm 1990, khi đã hoàn thiện nhiệm vụ cơ bản của nó, NASA điều khiển con tàu hướng ống kính camera để chụp các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.[20][21][22][23] Giữa khoảng ngày 14/2/1990 và 6/6/1990, một bức ảnh của Voyager gửi về có chụp hình ảnh Trái Đất, hiện lên giống như một "đốm xanh mờ" trong bức ảnh dạng hạt.[18][24] [25]

Theo hệ thống phần mềm HORIZONS tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL) của NASA,[26] khoảng cách giữa Voyager và Trái Đất trong thời gian chụp bức ảnh là:

Khoảng cách từ Voyager 1 đến Trái Đất
Đơn vị đo 14 tháng 2 năm 1990 9 tháng 6 năm 1990
Đơn vị thiên văn 40,4722269111071 40,6835761263791
Kilômét 6.054.558.968 6.086.176.360
Dặm 3.762.136.324 3.781.782.502
Images of six planets, each from such a great distance they only appear as points of light.
Tổ hợp "bức ảnh gia đình" của Hệ Mặt Trời khi chụp ở một khoảng cách lớn bởi Voyager 1

Bức ảnh được chụp sử dụng một camera góc hẹp tại vị trí 32° trên mặt phẳng hoàng đạo và nó được tạo ra nhờ các bộ lọc xanh da trời (blue), xanh lá cây (green) và tím (violet).[27] Camera góc hẹp khác với camera góc rộng, nó được trang bị để chụp các chi tiết xác định trước của một vùng không gian.[28] Dải sáng trên Trái Đất và trong bức ảnh là do tán xạ ánh sáng Mặt Trời trong thấu kính quang học của camera, kết quả của vị trí Trái Đất và Mặt Trời làm thành một góc nhỏ khi nhìn từ tàu Voyager.[21][24] Hình ảnh Trái Đất nhỏ hơn một pixel trong bức ảnh—theo NASA "chỉ có kích thước bằng 0,12 pixel."[27]

Voyager cũng đã chụp ảnh Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên VươngSao Hải Vương. Khi ghép chúng lại thành một bức ảnh ở bên trái, chúng tạo thành chân dung của hệ Mặt Trời.[27] Sao Thủy quá mờ do ánh sáng Mặt Trời nên không thể chụp được và Sao Hỏa không hiện ra do hiệu ứng của ánh sáng Mặt Trời trên camera quang học.[29] NASA đã biên tập 60 bức ảnh để tạo ra một bức khảm gọi là chân dung gia đình.

Nhận xét[sửa | sửa mã nguồn]

Cụm từ Pale Blue Dot được Carl Sagan đặt ra khi ông suy ngẫm về tầm quan trọng vô cùng to lớn của bức ảnh. Trong quyển sách cùng tên xuất bản năm 1994, Sagan viết:

"Từ vị trí xa xôi này, Trái đất dường như không có bất kỳ nhận được mối quan tâm đặc biệt nào [của vũ trụ]. Nhưng đối với chúng ta, đốm này hoàn toàn khác. Hãy nhìn lại đốm ấy. Đấy chính là nơi này đây. Đấy là nhà. Đấy là chúng ta. Trên đấy có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn từng nghe nói tới, cả những con người từng tồn tại, từng sống trọn vẹn cuộc đời của họ nữa. Sự tổng hòa niềm vui và khổ đau của chúng ta, hàng ngàn tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, tất cả thợ săn và thợ rèn, tất cả người hùng và kẻ hèn, tất cả nhà sáng lập và kẻ phá hoại nền văn minh, tất cả vị vua và thường dân, tất cả đôi trẻ đang yêu, tất cả người mẹ và người cha, đứa trẻ đầy triển vọng, nhà phát minh và nhà thám hiểm, tất cả giáo viên sáng ngời đạo đức, tất cả chính trị gia tham nhũng, tất cả "minh tinh", tất cả "lãnh đạo tối cao", tất cả vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử loài người chúng ta đều sống trên đấy – trên một hạt bụi lơ lửng giữa vệt nắng.

Trái Đất là một sân khấu rất nhỏ trong một vũ đài vũ trụ rộng lớn. Hãy nghĩ về những dòng sông máu được đổ đầy dưới tay của tất cả những vị tướng và hoàng đế, để rồi khoác lên mình vinh quang và chiến thắng, họ có thể trở thành những bá chủ nhất thời của một phần dấu chấm. Hãy nghĩ về sự tàn khốc vô tận mà cư dân ở góc này của chấm nhỏ giáng xuống những cư dân giống họ đến mức khó có thể phân biệt được ở góc khác, về mức độ hiểu lầm thường xuyên của họ, về việc họ háo hức sát hại nhau thế nào, về lòng căm thù sục sôi của họ.

Sự giả tạo của chúng ta, sự tự huyễn về tầm quan trọng của bản thân chúng ta, sự ảo tưởng rằng chúng ta có một vị thế đặc quyền trong Vũ trụ, bị thách thức bởi điểm sáng nhạt nhòa này. Hành tinh của chúng ta chỉ là một đốm nhỏ lẻ loi, bao trùm xung quanh là bóng tối vũ trụ rộng lớn. Mặc cho sự mù mờ của chúng ta trong vũ trụ bao la này, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự giúp đỡ đến từ một nơi nào đó, để cứu rỗi chúng ta khỏi chính mình.

Cho đến nay, Trái Đất là thế giới duy nhất có sự sống mà chúng ta biết. Không một nơi nào khác, ít nhất là trong tương lai gần, mà loài người chúng ta có thể di cư đến. Đến thăm thì được, chứ định cư thì chưa đâu. Dù có thích hay không, thì Trái Đất vẫn là điểm tựa của chúng ta ở thời điểm hiện tại.

Người ta nói thiên văn học là một trải nghiệm khiêm nhường và bồi dưỡng tâm tính. Có lẽ không có minh chứng nào về sự tự phụ ngu xuẩn của loài người tốt hơn hình ảnh xa xôi về thế giới nhỏ bé của chúng ta. Đối với tôi, nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta về việc đối xử tử tế với nhau hơn, để giữ gìn và trân trọng đốm xanh mờ, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta biết."

— Carl Sagan[30][31]

Kỷ niệm[sửa | sửa mã nguồn]

Pale Blue Dot Revisited, 2020

Năm 2015, NASA kỷ niệm 25 năm chụp bức ảnh. Nhà khoa học dự án Voyager, ông Ed Stone nhận xét: "25 năm trước, Voyager 1 nhìn lại Trái đất và nhìn thấy một "đốm xanh mờ", một hình ảnh tiếp tục truyền cảm hứng cho sự ngạc nhiên về nơi chúng ta gọi là nhà."[32]

Năm 2020, nhân kỷ niệm 30 năm, NASA đã xuất bản một phiên bản mới của bức ảnh Voyager gốc: Pale Blue Dot Revisited. Bức ảnh này sử dụng các kỹ thuật xử lý hình ảnh hiện đại "đồng thời cố gắng tôn trọng dữ liệu gốc và ý định của những người chụp ảnh." Mức độ sáng và màu sắc đã được cân bằng lại để tôn lên vùng ảnh chứa Trái đất và hình ảnh được phóng to, trông sáng hơn và ít nhiễu hơn so với ảnh gốc. Hướng của Mặt trời ở phía dưới bức ảnh, chỗ bức ảnh sáng nhất.[33][34]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Sagan, Carl (1994). Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space (ấn bản 1). New York: Random House. ISBN 0-679-43841-6.
  2. ^ Britt, Robert Roy (ngày 25 tháng 9 năm 2001). “Experts Pick: Top 10 Space Science Photos”. Space.com. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2001. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010.
  3. ^ a b “Mission Overview”. starbrite.jpl.nasa.gov. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  4. ^ “Voyager 1”. nssdc.gsfc.nasa.gov. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  5. ^ “Voyager - Fact Sheet”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực NASA (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ Howell, Elizabeth (23 tháng 8 năm 2022). “Voyager 1: Earth's Farthest Spacecraft”. Space.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ a b Sagan, Carl (9 tháng 9 năm 1990). “The Earth from the frontiers of the Solar system – The Pale, Blue Dot”. PARADE Magazine. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  8. ^ Butrica, Andrew J. (1994). “Chapter 11”. From Engineering Science To Big Science (ấn bản 1). New York: Random House. tr. 251. ISBN 0-679-43841-6.
  9. ^ “An Earthly View of Mars”. space.com. 7 tháng 7 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  10. ^ a b “Voyager 1's Pale Blue Dot”. Solar System Exploration. NASA/JPL-Caltech. 5 tháng 2 năm 2019. PIA23645. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2023.
  11. ^ Sagan, Carl; Druyan, Ann (2011). Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space. Random House Publishing Group. tr. 4–5. ISBN 978-0-307-80101-2.
  12. ^ “An Alien View Of Earth”. NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2011.
  13. ^ Ulivi, Paolo; Harland, David M. (2007). Robotic Exploration of the Solar System Part I: The Golden Age 1957–1982. Springer. tr. 441–443. ISBN 9780387493268.
  14. ^ “Voyager – Imaging Science Subsystem”. Jet Propulsion Laboratory. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  15. ^ “Cassini Solstice Mission – ISS”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  16. ^ “Voyager 1 Narrow Angle Camera Description”. Planetary Rings Node. SETI Institute. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  17. ^ “Voyager Celebrates 20-Year-Old Valentine to Solar System”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2016.
  18. ^ a b Sagan. “Chapter 1. You Are Here”. Pale Blue Dot. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2010. The quote is much copied elsewhere on the web.
  19. ^ Carl Sagan & Freeman J. Dyson, Jerome Agel (2000). Carl Sagan's Cosmic Connection: An Extraterrestrial Perspective. Cambridge University Press. tr. XV. ISBN 0521783038, 9780521783033 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  20. ^ a b Bennett, Jeffrey O. (2008). Beyond UFOs: The Search for Extraterrestrial Life and Its Astonishing Implications for Our Future. Princeton University Press. tr. 211. ISBN 691135495, 9780691135496 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  21. ^ a b c Von Baeyer, Hans Christian (2000). Taming the Atom: The Emergence of the Visible Microworld. Courier Dover Publications. tr. Xxi. ISBN 0486414477, 9780486414478 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  22. ^ Pale Blue Dot. The Planetary Society. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2006.
  23. ^ Cockell, Charles (2003). Impossible Extinction: Natural Catastrophes and the Supremacy of the Microbial World. Cambridge University Press. tr. 24. ISBN 0521817366, 9780521817363 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  24. ^ a b Guillermo Gonzalez & Jay Wesley Richards (2004). The Privileged Planet: How Our Place in the Cosmos is Designed for Discovery. Regnery Publishing. tr. X,224. ISBN 0895260654, 9780895260659 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  25. ^ “Visible Earth: A catalog of NASA images and animations of our home planet. Retrieved 2009-02-28”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2010.
  26. ^ NASA's JPL Horizon System for calculating ephemerides for solar system bodies
  27. ^ a b c “Solar System Portrait – Earth as 'Pale Blue Dot'. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2010.
  28. ^ “SPACECRAFT – Cassini Orbiter Instruments – ISS”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2010.
  29. ^ “Solar System Portrait – Views of 6 Planets”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2010.
  30. ^ Sagan, Carl (1997). Pale Blue Dot. United States: Random House USA Inc. tr. 6-7. ISBN 9780345376596.
  31. ^ Carl Sagan, Pale Blue Dot, tr. 6, tại Google Books
  32. ^ 'Pale Blue Dot' Images Turn 25”. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2017.
  33. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên PBD revisited
  34. ^ Amos, Jonathan (13 tháng 2 năm 2020). “Nasa 're-masters' classic 'Pale Blue Dot' image of Earth”. BBC. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]